Những phi công không bằng cấp ở đây không phải là những “phi công lái máy bay bà già”. Những phi công không bằng cấp là những người có những khả năng khác.
Trong hạng mục đề cử “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của Oscar 87 vừa rồi có một bộ phim của đạo diễn người Argentin a Damián Szifron tên là “Wild Tales”. “Wild Tales” là một chùm gồm sáu phim ngắn xoay quanh việc trả thù lẫn nhau. Trong đó, có một câu chuyện rất giống với sự kiện Germanwings.
“Wild Tales” bắt đầu với việc một cô người mẫu được sắp xếp chỗ ngồi cạnh một nhà phê bình âm nhạc ở trên máy bay. Hai người bắt chuyện với nhau và phát hiện rằng họ đều biết một người tên là Gabriel Pasternak. Người phụ nữ là bạn gái cũ của anh ta, còn nhà phê bình lại chính là người đã đánh trượt bài tiểu luận của Pasternak khi anh nộp lên hội đồng thẩm định.
Điều thú vị là những người còn lại trên máy bay bắt đầu cũng kể rằng họ đều có một mối quan hệ "không tốt đẹp" đối với người đàn ông mang tên Gabriel Pasternak. Cao trào của phim được đẩy lên đến đỉnh điểm khi nữ tiếp viên của chuyến bay thông báo rằng Gabriek Pasternak chính là cơ trưởng của chuyến bay này. Sau đó, chiếc máy bay bắt đầu rung lắc mạnh và lao thẳng xuống thành phố trước mặt.
Trong cảnh hỗn loạn, một hành khách lao tới đập cửa buồng lái, gọi tên Pasternak và tự xưng là bác sĩ điều trị tâm lý của anh ta. Ông cố giải thích rằng mọi "vấn đề" đều do bố mẹ của Pasternak gây ra vì họ đã phá hỏng cuộc đời anh khi đòi hỏi quá nhiều. Sau đó, ông cầu xin Pasternak hãy tha cho tất cả mọi người ở đây nhưng không có một sự phản hồi nào từ cơ trưởng của máy bay. Có lẽ, đoạn kết của phần phim này làm cho người xem choáng váng khi chiếc máy bay lao thẳng xuống khu nhà của một đôi vợ chồng già. Hai nhân vật này được cho bố mẹ của nhân vật Gabriel Pasternak.
Có thể nói rằng, viên phi công trong vụ Germanwings đã hạ cánh không đúng đường bay. Bi kịch cá nhân của anh ta đã trở thành bi kịch chung cho tất cả mọi người. Hình ảnh 150 người trên chiếc máy bay đang rên siết, khóc lóc, sợ hãi mà không có cách nào cữu vãn được là một sự ám ảnh. Nó không quá xa lạ, nó gợi nhớ tới một nơi nào đó. Có thể đó là nơi chỉ có hai người đang nỗ lực cứu vãn một cuộc tình trong vô vọng. Cũng có thể là nơi mà hàng triệu người cùng ở trên một con tàu đang loay hoay khóc lóc, chửi bới và hoàn toàn bất lực.
Cái tứ trên một chuyến bay mà hầu hết hành khách đều quen biết cơ trưởng cũng là điều không quá lạ ở Việt Nam. Đôi khi chúng ta vẫn thấy ở một cơ quan nhà nước nào đó, hầu hết các nhân viên đều là con cháu của "sếp". Nó có thể là một bệnh viện, một chi cục thuế địa phương, thậm chí là trong một công ty quản lý bay nào đó. Bộ phim nói chung là những hình ảnh rất đại diện cho bối cảnh Việt Nam đương đại. Không quá khó để triết lý nó thành những mảnh ghép của cuộc sống.
Các hãng hàng không quốc tế luôn coi hạ cánh là một trong những khâu quan trọng nhất. Các phi công giỏi nhất cũng phải thể hiện mình ở những đường băng khó khăn nhất. Ở nước ta thì việc hạ cánh đôi khi không dành cho những phi công ngồi trong cabin. Họ có thể ngồi trong phòng riêng, bên chiếc máy lạnh mới cứng hiệu Panasonic và điều hành mọi việc dựa vào những chồng báo cáo làm từ gỗ mỡ. Họ chỉ hạ cánh đúng một lần trong đời, thông thường là an toàn. Những viên phi công ấy không bị trầm cảm vì họ ít khi phải nghĩ gì. Mà nói thẳng ra, hàng không thế giới nên lấy các "phi công không bằng lái" này làm hình mẫu đi là vừa. Sơ sơ thì mỗi năm chúng ta cũng đào tạo được hàng triệu phi công “hạ cánh an toàn” cơ mà!
Nguồn: Nguyễn Vương/ nguoiduatin.vn
Top()